Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

TẤT TẦN TẬT VỀ IELTS SPEAKING

Speaking vốn là nỗi ám ảnh của nhiều bạn thí sinh. Tôi biết nhiều anh/chị đã nhiều năm sử dụng Tiếng Anh trong công việc rất trôi chảy, tuy nhiên, nếu bạn vào phòng thi mà chỉ dựa vào cái khả năng “giao tiếp trôi chảy” của mình thì điểm của bạn chỉ dừng lại ở con số 5.0 là kịch, thậm chí thấp hơn, bởi IELTS Speaking đâu chỉ có tiêu chí fluency, mà còn pronunciation and coherence/cohesion (phát âm và sự mạch lạc và liên kiết giữa các ý), lexical resource (từ vựng) và grammar (ngữ pháp). Mỗi tiêu chí đều được đánh giá một cách rất khắt khe, từ độ chính xác đến phạm vi sử dụng.

Hầu hết các bạn thí sinh đều ý thức được việc học các tips trước khi đi thi, cố gắng nhồi nhét mấy từ “khủng”. Nhưng thực tế khi vào phòng thi thì đa số chúng ta sẽ quên sạch cả những cụm từ “khủng” mà mình đã chuẩn bị, vì cảm thấy quá áp lực khi bị tấn công dữ dội bởi các câu hỏi dồn dập của giám khảo. Vừa phải nghe để hiểu câu hỏi, vừa phải nghĩ ra ý tưởng đề trả lời, vừa phải giữ cho câu trả lời được trôi chảy, vừa phải kiểm soát ngữ pháp, nếu bạn cố nhét từ “khủng” vào, bạn sẽ bị mấy fluency, thậm chí sai ngữ pháp liền! Thế nên nhiều bạn đi thi về mà trong lòng thất vọng tràn trề! Đó là chưa kể đến lúc luyện thi, nhiều bạn bị khủng hoảng bởi có tới hàng trăm chủ đề trong IELTS Speaking, đến khi nào thì ta mới “cày” xong? Thời gian đâu cho các kỹ năng khác nữa? Việc luyện thi trở nên cực kỳ gian nan và nhiều khi dường như không có lối thoát khi cứ học được đến chủ đề thứ 10 thì quên mất chủ đề đầu đã học, vậy đến khi nào mới học được đến chủ đề 100?

Người lái đò trên dòng sông ai eo.

Vậy vấn đề quan trọng nhất của việc ôn thi là ta cần phải có chiến lược. Nếu khả năng ngôn ngữ là điều kiện cần thì khả năng “lái đò” – nghĩa là lái các câu trả lời về chủ đề quen thuộc sẽ là điều kiện đủ để bạn phô diễn khả năng của mình và đạt được điểm số mong muốn. Giống như người lái đò trên sông í, tránh đầu sóng ngọn gió, mà hãy tìm những lối quen, nước lặng mà chèo thì thuyền của bạn mới đi nhanh mà không bị lật! Trong kỹ thuật “lái”, các bạn cần thực hiện hai thao tác cùng lúc:
Thao tác 1: “lái” câu hỏi về những dạng quen thuộc. Thí dụ, ở part 2, hầu hết tất cả các câu hỏi đều thuộc về 1 trong 6 dạng: describe a person, an object, a building, a place, an event, và a piece of media.
Thao tác 2: “lái” về các chủ đề quen thuộc mà bạn có thể sử dụng những từ “khủng” và những thành ngữ thuộc về chủ đề đó.
Mỗi chủ đề, bạn hãy tích lũy hàng loạt các câu tủ và cụm từ hay. Thí dụ, với miêu tả người, bạn có các câu thuộc nằm lòng:
- He is on the wrong side of 30s, but he looks quite younger than his age with shiny eyes and a curly hair.
- As an optimistic person, he always looks at the bright side
- X is a warm – hearted person. He always gives others a hand and as a result, gains the respect and admiration from them.
Nhìn chung, đề bài yêu cầu ta có miêu tả ai đi nữa, một giáo viên, bác sĩ, vận động viên, người nổi tiếng, chính trị gia, một người từng giúp đỡ bạn,… bạn đều có thể sử dụng những câu và cụm từ tủ nêu trên. Bằng cách trên, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều năng lượng trong việc ôn thi.

IELTS – không chỉ là học “mẹo”

Nhiều bạn cho rằng "học" IELTS chỉ là học những "mẹo" làm bài để được điểm cao chứ IELTS không giúp ta "giỏi" Tiếng Anh lên. Personally, mình nghĩ IELTS không đơn giản chỉ là một kỳ thi. Chúng ta có thể học được vô số điều bổ ích trong quá trình chinh phục kỳ thi này.
Nhờ quá trình học IELTS, bạn sẽ ý thức được trong bất kỳ bài thuyết trình nào, diễn đạt các ý một cách mạch lạc là yếu tốt vô cùng quan trọng. Nếu bạn nói mà có Mở Bài, Thân Bài, Kết Bài, triển khai các ý một cách logic và mang tính liên kết, có kèm cả ví dụ minh họa thì khả năng cái "máu" IELTS đã ngấm vào người rồi.
Ngược lại, nếu nói rõ là fluent nhưng cái kiểu nói ý A, ý B, ý C, rồi lại vòng lại ý A, thì dù phát âm của bạn có hay đến mấy, người nghe chắc sẽ phải hỏi lại: "what the hell are you talking about?" Nếu thuyết trình xong mà khán giả hỏi: "nếu có thể tóm tắt bài nói của bạn trong vòng 3 câu thì bạn sẽ nói những gì?" Lúc đó bạn mới đớ người ra và tìm cách tóm tắt thì nghĩa là bài nói của bạn chưa có Kết Bài, và thiếu mạch lạc đến nỗi người nghe không thể theo dõi.
Túm lại, với mình, IELTS hóa ra lại là thực tế cuộc sống chứ không phải cái gì quá xa vời, hàn lâm như nhiều bạn nghĩ. Hiểu được giá trị của việc "học" IELTS, bạn sẽ yêu mến việc học và không coi đó là một rào cản, một gánh nặng.

Nếm trải trên từng chặng đường.

IELTS không chỉ là một đích đến, một điểm dừng. Trong quá trình đạt được mục tiêu đó, bạn sẽ nếm trải đủ các mùi vị thăng trầm, từ sự hăm hở khi đăng ký đi học, ước mơ đạt được một điểm số cao chót vót, rồi đến khi khó khăn đến mức muốn bỏ cuộc, sự bế tắc khi học mãi mà điểm số vẫn thế. Rồi đến khi bạn đạt được mục tiêu, những ngày tháng cày cuốc, lớp học và những người bạn cùng chí hướng sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp trong một giai đoạn của cuộc đời. Hạnh phúc không chỉ là lúc bạn đạt được mục tiêu với tờ chứng chỉ trên tay, mà là những ngày tháng bạn ngồi tới 10 tiếng 1 ngày trên thư viện, hay lúc bạn cười sặc sụa bởi cái kiểu “lái” của thằng bạn cùng nhóm Speaking và lúc cả nhóm cùng nhau tụ tập đi ăn chè.

Học ở đây có đảm bảo đầu ra?

Với những ai chỉ cần có một chút tư duy phản biện thì đều biết cái tuyên bố “đảm bảo đầu ra” chỉ là một mớ tầm xàm bá láp. Là một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, mình cho rằng ngôn ngữ không thể dạy mà chỉ có thể học, giáo viên nên đóng vai trò là người hướng dẫn và tạo điều kiện tối ưu cho việc học. Triết lý này đúng trong hầu hết mọi trường hợp, chỉ có người dẫn đường chứ không có ai xách tai mình mà lôi đến thành công cả.

 
Scroll to top