Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Kết quả tôi được 9.0 kỹ năng IELTS thì Reading là kỹ năng duy nhất mà tôi không luyện đề

Trong 4 kỹ năng IELTS thì Reading là kỹ năng duy nhất mà tôi không luyện đề, cũng như không áp dụng bất kỳ kỹ xảo nào trong khi làm bài thi. Không skim, không scan, tôi đọc hết cả 3 đoạn văn, và trả lời các câu hỏi thuộc đoạn văn dễ nhất. Thời gian làm bài nói chung là vừa đủ, chỉ dư khoảng 5 phút cuối giờ. Kết quả tôi được 9.0.

Vậy bí quyết ở đây là gì? Ngữ pháp và từ vựng.

Nếu bạn không vững ngữ pháp, bạn rất dễ rơi vào các cạm bẫy trong đề thi IELTS. Người ra đề có thể biến đổi hoàn toàn ngữ nghĩa của một câu văn chỉ bằng cách thay thế một vài từ, hoặc ngược lại, diễn tả cùng một ý nhưng lại paraphrase theo hướng khác.

Chẳng hạn như câu: “Studies demonstrate that vegetables grown in season and ripened on the tree are far higher in essential nutrients than those grown in greenhouses and ripened by laser.” Có thể được paraphrase thành: “Naturally-produced vegetables have more nutritional value.”

Chỉ khi hiểu đúng ý của đoạn văn và có một vốn từ vựng đủ rộng, thì bạn mới có thể làm bài IELTS Reading nhanh và chính xác được.

Vậy làm sao để mở rộng ngữ pháp và từ vựng?

1. CÁCH HỌC NGỮ PHÁP

Sách học ngữ pháp trên thị trường không thiếu: Oxford Modern English Grammar, English Grammar in Use, Advanced Grammar in Use… Khi bạn mới bắt đầu học tiếng Anh, đừng nên lấn cấn quá nhiều về lộ trình học, hay là nên bắt đầu bằng cuốn nào. Cuốn nào cũng được, miễn là từ nhà xuất bản uy tín như Oxford, Cambridge, Collins, Longman… Khi bạn đã có một vốn ngữ pháp kha khá rồi, tự bạn sẽ biết là mình còn yếu điểm nào để tìm sách bổ sung.

Các sách ngữ pháp cổ điển thường chia nhỏ ngữ pháp thành nhiều cấu trúc khác nhau như relative clause, conditional sentence, past participle… theo sau là một số bài tập tương ứng. Các sách ngữ pháp tân thời hơn thì dạy tiếng Anh theo ngữ cảnh, chẳng hạn như khi du lịch, tại trường học, ở nhà ga… Bản thân tôi từ nhỏ đã học theo lối truyền thống, luyện các dạng bài tập và tập đặt câu theo từng cấu trúc ngữ pháp – tuy lâu nhưng căn bản vững chắc hơn, đặc biệt là khi bạn muốn học lên cao học hoặc tiến sĩ.

Link: John Eastwood’s Oxford Guide to English Grammar
https://www.uop.edu.jo/…/oxford_guide_to_english_grammar.pdf

2. CÁCH HỌC TỪ VỰNG

Một số học viên tiếng Anh được khuyên không nên sử dụng từ điển Anh – Việt, vì đôi khi sẽ không hiểu hết được nghĩa của từ trong ngôn ngữ gốc. Điều này đúng, nhất là với những bạn có thói quen dịch từng từ (word by word).

Chẳng hạn với câu, “In recent years, it appears as if the living standard of human society has been substantially improved.” Nếu dịch cứng nhắc theo kiểu “appear” là “xuất hiện”, “as if” là “dường như”, thì câu văn sẽ không thuần Việt. Còn nếu hiểu rõ nghĩa thì có thể dịch thoát thành, “Trong những năm gần đây, dường như mức sống của xã hội loài người đã được cải thiện đáng kể.”

Cách học bằng flash card (thẻ từ vựng) theo mình cũng không hiệu quả, vì chúng tách từ vựng khỏi ngữ cảnh của câu nói, và người học sẽ không biết cách vận dụng từ, hay thậm chí hiểu sai về nghĩa của từ trong một số câu nói.

Hãy đọc câu sau trong bài báo của Sydney Morning Herald hôm 5/6, “The landmark cuts to weekend penalty rates in several industries will be phased in over the next four years, in a decision that has angered retailers and unions alike.” Từ “landmark” không có nghĩa là “danh lam thắng cảnh”, và “penalty rates” càng không có nghĩa là “tiền phạt” – nguyên văn câu đó có nghĩa là, “Quyết định mang tính bước ngoặt nhằm cắt giảm lương phụ trội cuối tuần trong nhiều ngành kỹ nghệ sẽ được áp dụng tuần tự trong bốn năm tới, đã khiến cho nhiều nhà bán lẻ và nghiệp đoàn giận dữ.”

Học tiếng Anh bằng cách đọc báo được một giáo viên trước đây của tôi khuyến khích, vì nó giúp bạn vừa học được cách hành văn trong thực tế của người bản ngữ, vừa cập nhật kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Một số tờ báo tiếng Anh có giọng văn hay, đáng học hỏi bao gồm: New York Times, Boston Globe, Washington Post…

 
Scroll to top